Chi tiết tin - Xã Tân Thành - Hướng Hóa

Duy trì nghề làm chổi đót ở Tân Thành

16:9, Thứ Hai, 2-5-2022

Bên cạnh việc định hướng, hỗ trợ người dân trên địa bàn đầu tư phát triển kinh tế về lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thời gian qua, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa còn khuyến khích những hộ dân làm nghề chổi đót lâu năm tiếp tục tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương duy trì có hiệu quả nghề này. Nhờ vậy, đến nay nhiều hộ dân trong xã sử dụng tối đa thời gian nông nhàn để gắn bó với nghề làm chổi đót, tăng thu nhập cho gia đình.

Nghề làm chổi đót mang lại thu nhập khá cho người dân xã Tân Thành

Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Hồ Lai ở Bản Lệt chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa, sắn, khoai trên nương rẫy. Canh tác theo phương thức lạc hậu nên việc mất mùa, thiếu ăn thường xuyên xảy ra đối với họ. Từ ngày được chính quyền địa phương tạo điều kiện về kiến thức khoa học kỹ thuật mới, vốn vay ưu đãi để đầu tư trồng trọt và chăn nuôi, đời sống gia đình ông Lai cải thiện hơn. Đặc biệt, gần 10 năm nay, vốn biết cách làm chổi đót truyền thống của người Vân Kiều nên ông Lai hướng dẫn các thành viên trong nhà cùng làm. Quá trình sản xuất, ông Lai tìm tòi làm sao để làm được cây chổi không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải bền khi sử dụng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đây là nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho gia đình ông trong nhiều năm nay.

 

Ông Lai chia sẻ: “Ở những triền đồi, núi rừng các xã dọc biên giới Hướng Hóa, cây đót mọc rất nhiều. Khi mới làm nghề này, đến mùa hoa đót vợ chồng tôi và các hộ trong thôn đi lấy đót đem về phơi khô, tranh thủ những lúc rảnh rỗi ngồi kết chổi để bán. Vừa làm chổi chúng tôi vừa trao đổi kinh nghiệm, góp ý cho nhau để nhà nào cũng sản xuất được sản phẩm chất lượng. Dần dần, thương lái tìm đến tận nhà tôi và các hộ trong thôn thu mua giá sỉ nên chúng tôi ít phải mất công vác chổi đi rao bán dọc đường hay ở các chợ trong huyện như trước đây. Bên cạnh đó, khi đã sản xuất khá ổn định, để tăng số lượng sản phẩm, chúng tôi thu mua thêm vật liệu của người dân trong vùng đi khai thác về. Bình quân 1 kg đót kết được 2 cây chổi, người có tay nghề làm mỗi cây mất khoảng 20 phút. Vào những ngày nhàn rồi, cao điểm gia đình tôi làm được khoảng từ 25 - 30 cây chổi/ngày, giá bán mỗi cây từ 25 - 30 nghìn đồng. Nhờ làm nghề chổi đót mà chúng tôi có thêm nguồn thu nhập thêm từ 50 - 70 triệu đồng/năm”.

 

Cứ dịp đến tháng Giêng, tháng Hai âm lịch hằng năm, bông đót vùng cao nở rộ, đây là thời điểm người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa nói chung và xã Tân Thành nói riêng đã làm xong lễ mừng lúa mới, xuống giống cây trồng. Nhàn rỗi nên họ thường rủ nhau đi hái bông đót về kết chổi dùng và bán. Nhu cầu của người tiêu dùng ngày một nhiều, do đó từ một vài hộ làm nghề chổi đót vào những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay toàn xã Tân Thành có khoảng 80 hộ tham gia nghề này, tập trung chủ yếu ở 2 bản người Vân Kiều (Hà và Lệt). Nghề làm chổi đót không khó nên từ người già đến trẻ em trong gia đình ai cũng có thể tham gia. Đặc biệt, vào dịp hè, trẻ em ở bản Hà và Lệt thường ở nhà phụ giúp bố mẹ làm chổi đót có thêm tiền mua sắm áo quần, sách vở đến trường trong năm học mới. Để đảm bảo vật liệu đủ sản xuất trong năm, nhiều hộ thu mua bông đót phơi khô cất trữ để mỗi khi nông nhàn tập trung làm chổi. Theo những người có kinh nghiệm làm nghề chổi đót lâu năm ở các bản này cho biết, để có được một cây chổi bền, đẹp thì người làm chổi phải tỉ mẫn trong các khâu phơi khô bông đót, ra đót, kết chổi, bện chặt vào cán… Bên cạnh đó, họ phải vào tận trong rừng sâu để tìm nguồn mây bện chổi và loại cây tre làm cán chổi phù hợp. Những năm gần đây, trung bình mỗi hộ làm nghề chổi đót ở bản Hà và Lệt có thu nhập từ 40 - 70 triệu đồng/năm, hộ cao nhất từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Nhờ nghề làm chổi đót, nhiều hộ ở bản Hà và Lệt có điều kiện vươn lên thoát nghèo, khấm khá hơn.

 

Nguồn vật liệu khai thác tại chỗ làm chổi ngày càng khan hiếm, việc thu mua bông đót ở nơi khác mang đến cũng không đảm bảo cho sản xuất lâu dài nên để nhân rộng nghề chổi đót ở Tân Thành gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chổi đót vẫn chưa thực sự ổn định. Tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng trong từng thời điểm nên thương lái đôi khi không thu mua hết sản phẩm cho bà con. Do đó, một số hộ tồn hàng nhiều phải tự đi về các chợ đầu mối hoặc vào tận từng nhà người dân dọc đường 9 để rao bán... Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Lê Bá Lâm cho biết: “Để duy trì tốt nghề truyền thống làm chổi đót, thời gian tới, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển những vùng đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây đót đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài. Bên cạnh đó, Hội Nông dân sẽ tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật làm chổi đót, sản xuất những cây chổi không chỉ bền mà mẫu mã bắt mắt hơn và tạo điều kiện cho hội viên đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở những làng nghề truyền thống. Đồng thời, Hội cũng có kế hoạch giúp hội viên, nông dân tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Tác giả bài viết: Kô Kăn Sương

Nguồn tin: ubmttqvn.quangtri.gov.vn

Các tin khác
  • pageHolder.getStart() - 0
  • pageHolder.getNumberObjects() - 6
  • numberArticle - 6
  • numberRelation - 0
Lịch làm việc
Thông báo mới
Giấy mời