Chi tiết tin - Xã Tân Thành - Hướng Hóa
Giữ gìn nghề truyền thống từ "Lộc rừng"
Post date: 02/05/2022
Bao đời nay, bên cạnh tập trung chăm lo phát triển kinh tế, người Vân Kiều ở thôn Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa còn quan tâm duy trì nghề làm chổi đót của cha ông để lại. Cũng nhờ nghề truyền thống này mà những năm qua, người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập khá, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bông đót sau khi thu hái về được người dân thôn Hà Lệt phơi khô cất trữ để đan chổi bán quanh năm
Đót rừng mang lại thu nhập khá
Hằng năm, cứ vào dịp cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch là người dân thôn Hà Lệt lại rủ nhau vào các khu rừng trong vùng để khai thác bông đót. Đót là cây rừng tự nhiên, bông đót vừa dùng để làm vật dụng trong gia đình, lại có thể đem lại thu nhập khá nên được xem là một loại “lộc rừng” của người dân. Các công đoạn chuẩn bị vật dụng cũng như cách thu hái đót đều khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều công sức nên hầu hết các hộ dân trong thôn đều có thể tham gia khai thác.
Năm 2019, thôn Hà Lệt được sáp nhập từ bản Hà và bản Lệt của xã Tân Thành với 100% dân số là người dân tộc Vân Kiều, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, cây trồng chủ lực là lúa nước và sắn. Do diện tích đất sản xuất của thôn ít, điều kiện làm lúa nước không đảm bảo, thu nhập từ nông nghiệp thiếu ổn định nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ chổi đót của khách hàng trong vùng cũng như các tỉnh lân cận tăng cao, đặc biệt là mỗi dịp Tết nên người dân Hà Lệt chủ động tìm kiếm nguyên liệu đan chổi bán và cung cấp bông đót cho thương lái ở các tỉnh như: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa… Nếu trước đây sản phẩm phụ trợ gồm có tre làm cán chổi và sợi mây rừng đan thân chổi được lấy từ rừng về thì nay để chủ động trong việc sản xuất chổi đót thành phẩm, người dân Hà Lệt sử dụng thêm loại sợi đan chổi bằng chất liệu nilon, khắc phục được sự khan hiếm về nguồn sợi mây rừng. Giá thành sản phẩm cũng phụ thuộc loại sợi dây đan. Chổi đót đan bằng sợi mây rừng có giá từ 40 - 45 nghìn đồng/cái, chổi đót đan bằng sợi chất liệu nilon có giá từ 20 - 25 nghìn đồng/cái.
Ngoài phơi khô và đan chổi bán, người dân Hà Lệt còn bán đót tươi cho các thương lái đến thu mua tại bản với giá từ 8 - 9 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, hộ gia đình từ 2 - 3 nhân công có thể đan được 25- 35 cái chổi đót; thu nhập trên 1 triệu đồng từ việc bán đót tươi và trên 500 nghìn đồng từ việc bán chổi đót thành phẩm. Thời gian cuối năm là lúc việc nương rẫy đã cơ bản hoàn tất, vì thế người dân Hà Lệt tập trung khai thác đót. Mỗi vụ bình quân mỗi hộ gia đình có nguồn thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng, hộ nhiều nhất trên 30 triệu đồng.
Gia đình anh Hồ Năng, trưởng thôn Hà Lệt là một trong những hộ đan chổi đót lành nghề trong thôn. Đến mùa đót, mỗi ngày vợ chồng anh thu hái được trên 1 tạ bông đót tươi. Số đót này anh bán bớt cho thương lái, phần còn lại phơi khô và tích trữ để đan chổi dùng và bán quanh năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình. Anh Năng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng sắn, giờ đây khi thị trường có xu hướng chuộng sản phẩm chổi đót rừng thì vợ chồng tôi phát huy được nghề truyền thống, tích cực tìm kiếm nguyên liệu bông đót và chăm chỉ đan lát. So với làm nông thì nghề này không vất vả, chỉ cần siêng năng, cần mẫn sẽ góp phần tăng nguồn thu nhập của gia đình”.
Khôi phục nghề truyền thống
Đan lát vốn là nghề truyền thống ở Hà Lệt. Có một thời gian dài, người dân ở thôn chủ yếu tập trung làm nương rẫy nên nghề này có phần bị mai một dần. Trong những năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường về chổi đót tăng cao so với trước, người dân trong thôn đã dần khôi phục nghề đan chổi đót. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài tỉnh, thời gian gần đây, một số hộ dân đã lấy cây đót rừng về ươm trồng trên các nương rẫy nhà mình nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tránh thiếu hụt vào các dịp cao điểm. Theo anh Hồ Năng, kỹ thuật đan chổi đót khá đơn giản, khâu hoàn thiện cần kỳ công hơn một chút để có mẫu mã đẹp và chất lượng chắc, bền hơn. Người lớn hay trẻ em đều cũng có thể đan chổi. Mỗi ngày, bình quân mỗi người có thể đan được từ 18 - 20 cái chổi đót. Hiện nay cả thôn đều có thu nhập thường xuyên từ nghề đan chổi đót. Sắp tới, thôn sẽ vận động người dân nâng số lượng cũng như chất lượng sản phẩm để có thêm thu nhập.
Nếu như ngày trước, người dân Hà Lệt chỉ đan chổi đót vào lúc nông nhàn, theo mùa đót ra bông thì hiện nay họ duy trì nghề này quanh năm. Từ nguồn nguyên liệu phong phú từ rừng, bông đót hái về phần lớn được phơi khô, cất trữ làm nguyên liệu lâu dài. Do đó, người dân chủ động được sản phẩm chổi đót thành phẩm bán ra thị trường. Nhờ đan thường xuyên, vừa làm vừa học hỏi lẫn nhau, nhất là kinh nghiệm và kỹ thuật từ các bậc cao niên trong thôn nên chất lượng chổi đót của các hộ gia đình ngày càng nâng lên, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, nhờ đó đầu ra của sản phẩm luôn đảm bảo. Từ chỗ được coi là “nghề phụ” lúc nông nhàn, thì nay đan chổi đót đang dần trở thành một trong những nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Hà Lệt.
Nhờ nguồn “lộc rừng”, mỗi dịp xuân về, thôn Hà Lệt lại rộn ràng người bán, người mua, các sân phơi đầy ắp bông đót, ai cũng phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập để mua sắm đón Tết. Chủ tịch UBND xã Tân Thành Võ Trần Ngọc Bình cho biết: “Để khai thác tiềm năng, lợi thế ở địa phương, khôi phục, phát huy nghề đan lát truyền thống, góp phần bảo tồn văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ để người dân thôn Hà Lệt duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm đan lát. Vận động chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây đót nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài.
Tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật làm chổi đót, sản xuất ra những loại chổi không chỉ bền mà mẫu mã bắt mắt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường; tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở những làng nghề làm chổi truyền thống trong tỉnh và các tỉnh bạn để áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện cho người dân vay vốn, đầu tư phát triển nghề và tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tiến tới định hướng xây dựng mô hình làng nghề đan lát chổi đót đối với bản Hà Lệt, góp phần nâng cao đời sống cho người dân”.
Tác giả bài viết: Ngọc Trang
Nguồn tin: www.baoquangtri.vn
- pageHolder.getStart() - 0
- pageHolder.getNumberObjects() - 6
- numberArticle - 6
- numberRelation - 0
UBND xã Tân Thành
ĐC: xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị
ĐT: 0233 3877 338 - Email: xatanthanh@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ