Khi “đài xã” thay đổi nhờ công nghệ số
“Tiếp nhận nhiệm vụ làm công tác thông tin cơ sở trong bối cảnh hệ thống đài truyền thanh của xã đã đầu tư từ lâu, xuống cấp khiến việc tiếp sóng truyền thanh của đài huyện và đài tỉnh đến các thôn thường xuyên bị nhiễu, rè… nên tôi gặp nhiều khó khăn khi đưa thông tin đến người dân. Thế nhưng, đến năm 2023, sau khi hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ số thông minh được đầu tư và đi vào hoạt động, công tác thông tin cơ sở được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn”, chị Trần Thị Kim Quyên, công chức Văn hóa - xã hội xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị chia sẻ.
Từ lợi thế đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, chị Quyên đã chủ động xây kế hoạch truyền thanh, xây dựng tin, bài tuyên truyền và phát trên đài truyền thanh với hơn 2.079 lượt/năm về các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, thông tin, chính sách liên quan đến mọi công dân trên địa bàn. Nhờ vậy, cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã Tân Thành được nắm bắt thông tin nhanh chóng, hiệu quả, nhận thức và thực hiện tốt hơn, nhất là trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội…
Trên đài truyền thanh xã cũng thường xuyên có các nội dung tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến trong và ngoài địa phương, từ đó tạo sức lan tỏa, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện các phong trào thi đua, các chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Chị Quyên cho biết, chị đã tham mưu UBND xã xây dựng và ban hành kế hoạch về việc phát các chương trình phát thanh “Giảm nghèo về thông tin” trên hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền năm 2023; đề án 06; ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền, đồng thời tiến hành đa dạng các hình thức đăng tải trên nhiều kênh khác như trang thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook và Zalo của xã.
Cũng từ hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, năm học 2024 - 2025, chị Quyên đã tham mưu thực hiện mô hình “Tiếng loa học bài” phát thông báo nhắc nhở tính tự giác học tập ở nhà cho các em học sinh vào mỗi tối.
“Nhận thấy rõ tầm quan trọng của hệ thống tin cơ sở, tôi luôn đặt nhiệm vụ thông tin truyền thông - đài truyền thanh cơ sở lên hàng đầu, đáp ứng là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân xã Tân Thành. Đây cũng là kênh thông tin trực tiếp, gần gũi và hiệu quả cao”, chị Quyên nói.
“Đài xã” góp phần xây dựng nông thôn mới
Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Trần Thị Kim Quyên cho biết, đài truyền thanh xã còn đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt công tác tuyên truyền cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số , từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả làm tăng tỷ lệ người dân tiếp cận chính quyền số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi giao dịch hành chính công, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của xã. Vì vậy, năm 2023, UBND huyện Hướng Hóa đã xếp xã Tân Thành đứng thứ 2 trên tổng số 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, chị Quyên còn tham mưu UBND xã phối hợp cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Công an xã, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thành, các cơ quan, đơn vị liên quan khác tổ chức các hoạt động tuyên truyền như: Lễ ra quân phát động phòng, chống và đấu tranh tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép; Lễ ra quân phát động đợt cao điểm phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, trên địa bàn xã qua các năm…
Hệ thống đài truyền thanh xã đã liên tục có nhiều chương trình tuyên truyền, vận động nhân dân, báo cáo rà soát, từ đó đề ra phương án, lộ trình xây dựng và kiến nghị đề xuất các cấp quan tâm, đầu tư về thiết chế văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động tốt nên hiện xã Tân Thành đã có trên 85% hộ gia đình nông dân tiếp tục tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới kiểu mẫu.
Chị Quyên cho biết, chị đã tham mưu UBND xã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, qua đó thành lập và hoạt động có hiệu quả Câu lạc bộ đan lát, chổi đót thôn Hà Lệt, được các cấp quan tâm, hỗ trợ phát triển, tạo công ăn việc làm ổn định và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chia sẻ với PV VietNamNet, chị Quyên bộc bạch: “Tôi đảm nhận công tác văn hóa - thông tin từ năm 2019 cho đến nay, đối với tôi, ngành văn hóa - thông tin là một ngành rất quan trọng. Đến hiện tại, khi bước sang kỷ nguyên công nghệ số, ngành thông tin truyền thông càng thể hiện mạnh mẽ vai trò, tầm quan trọng của mình trong việc định hướng, truyền thông trên môi trường số. Là công chức Văn hóa - xã hội, tôi cảm thấy tự hào, trân trọng và mong muốn nỗ lực hết mình để cống hiến cho sự nghiệp thông tin, truyền thông”.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/